Ở điều kiện sinh lý bình thường, ruồi có chu kỳ sống gồm bốn giai đoạn lần lượt là trứng; ấu trùng, còn gọi là giòi; nhộng và con trưởng thành. Ruồi trưởng thành có màu xám đen, toàn thân và chân có nhiều lông; có đời sống khoảng 14 – 25 ngày, ở điều kiện thích hợp có thể sống đến 3 tháng; sinh sản khá nhanh và nhiều, một tháng đẻ vài lứa. Vì tốc độ sinh sản nhanh với số lượng rất lớn, nên ruồi trở thành đại họa cho con người. Ruồi thích ánh sáng tự nhiên, ban ngày bay đi kiếm ăn và giao phối, đêm đến, trú đậu ở trần nhà, gần nơi kiếm ăn để tránh mưa gió. Chỉ khi nào đói, ruồi mới đi ăn đêm ở nơi có ánh sáng. Sau tết, thời tiết ấm áp là điều kiện thuận lợi cho ruồi phát triển, do đó ta thấy chúng xuất hiện rất nhiều vào mùa hè và những ngày nắng nóng, mùa đông lạnh lẽo thường ít vì không thuận lợi cho phát triển.
Ruồigây bệnh cho người từmiệng của chúng, để hút thức ăn, khi gặp thức ăn cứng, ruồi tiết nước bọt và dịch chứa trong diều để làm mềm thức ăn rồi hút; mỗi lần ăn, ruồi tiết dịch trong diều để tiêu hóa thức ăn, từ đó các vi sinh vật được ruồi hút vào trong lần ăn trước cũng được nhả ra theo, làm lây nhiễm thức ăn. Ruồi vừa ăn vừa “ỵ” nên phóng thích vào thức ăn (nơi ruồi đậu) những mầm bệnh có sẵn trong phân; mầm bệnh cũng dính từ chân và cơ thể ruồi sẽ lây truyền từ nơi này qua nơi khác. Trong quá trình phát triển, có hai giai đoạn gây bệnh và truyền bệnh cho con người là giòi và con trưởng thành. Ở những vết thương vệ sinh kém, không được giữ gìn sạch sẽ, không băng bó kỹ, ruồi sẽ đậu vào đẻ trứng và nở thành giòi; giòi sẽ ăn làm vết thương lở loét, mưng mủ lâu lành, thậm chí có trường hợp giòi chui sâu vào tổ chức dưới da cần phải rạch da gắp ấu trùng.
Ruồi trưởng thành không trực tiếp gây bệnh, chỉ có vai trò vận chuyển mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác, vì các mầm bệnh có ở cơ thể ruồi không phát triển, không gia tăng số lượng. Các mầm bệnh nguy hiểm ruồi truyền cho người là vi khuẩn thương hàn, lỵ, tả, bào nang amip, trứng các loại giun sán và một số virus nhiễm qua đường tiêu hóa. Nhiều đại dịch tiêu chảy xảy ra cũng có sự tham gia của ruồi.
Với tính chất nguy hiểm của con vật nhỏ bé này, vậy chúng ta cần có giải pháp nào để diệt được chúng và cần khẳng định rằng không thể tiêu diệt được hết ruồi nhà, mà chỉ có biện pháp phòng chống và hạn chế ruồi phát triển để không truyền bệnh cho con người. Có nhiều giải pháp để triệt nơi sinh sản và trú ẩn của chúng, như vệ sinh môi trường,bằng hóa chất, bẫy, phương pháp dân gian…
Giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường:
Để không ngoài mục đích triệt nơi sinh sản của ruồi, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, làm thoát nước, phá các vũng nước đọng; chuồng trại gia súc, gia cầm nên làm nền bê tông cho dễ vệ sinh, rửa sạch chuồng trại hàng ngày,thu dọn phân thành đống hình chóp gọn gàng giúp quá trình lên men của vi sinh vật xảy ra liên tục. Dùng tấm nhựa không thấm nước đậy lên đống phân để duy trì sức nóng do quá trình lên men, sức nóng sẽ tiêu diệt ấu trùng và cũng để ruồi không đẻ vào phân; nếu có điều kiện nên làm khô phân trước khi ruồi có thời gian đẻ và phát triển. Các hố xí hở cần có nắp đậy nhưng tốt nhất nên xây dựng hố xí kín; rác rưởi và các chất thải hữu cơ cần làm sạch triệt để bằng cách thu dọn vào vật chứa, chuyên chở và xử lý đúng cách.
Những chất thải trong nhà phải được chứa ở những thùng có nắp đậy kín và đổ rác ngay khi có thể. Những chất có nguy cơ chứa mầm bệnh phải được bọc kín và đốt cháy ở bất cứ nơi nào có thể đốt; rác thải phải được chôn sâu ít nhất 20 cm, phủ đất lên trên và rồi nện chặt; giải pháp này sẽ hạn chế sự nở của ấu trùng và làm tăng nhiệt độ lên men, điểm mà ấu trùng không thể sống sót.
Làm giảm những nguồn thu hút qua khướu giác của ruồi. Ruồi rất nhạy và thường bị thu hút bởi mùi tanh, thối sinh ra từ thức ăn, cá, xương, đường mía, sữa, hoa quả lên men… Mùi chỉ mới tỏa ra là ruồi nhận biết ngay và ào ào kéo đến; do đó những nơi chế biến khử mùi, làm sạch những chất này. Không để ruồi tiếp xúc với thức ăn, chén đũa bằng cách đậy kín chạn chén, thức ăn. Tránh ruồi đẻ vào vết thương, khi bị thương nên giữ gìn vệ sinh, vết mổ cần băng bó cẩn thận, không để ruồi đậu vào, vừa làm nhiễm khuẩn, vừa đẻ trứng sinh giòi.
Về phương pháp vật lý:
Có thể sử dụng bẫy ruồi, bẫy dính, bẫy điện… để diệt ruồi; sử dụng các chất hấp dẫn ruồi đến ăn như mật, đường, trái cây, thịt… làm mồi, ruồi bị hấp dẫn bởi mùi sa vào bẫy, bị dính vào các chất dính hoặc bị điện giật chết. Bẫy nên đặt cả trong và ngoài nhà; dùng lưới có mắt lưới khoảng 1,18 mm ở cửa ra vào và cửa sổ để che ruồi, cửa tự động kết hợp với tấm đập dẹp bằng cao su có thể phòng chống ruồi trưởng thành vào nhà. Vì ấu trùng di chuyển từ nơi sinh sản đến nơi mát mẻ chung quanh để thoát xác thành nhộng nên có thể sử dụng bẫy diệt giòi, bẫy thông thường gồm có miếng bê tông dẹp, trên đó phân hoặc rác rưởi được giữ, chung quanh là những hào sâu đầy nước, đó sẽ là bẫy của ấu trùng nếu nó di trú.
Giải pháp hóa học:
Một số biện pháp hóa học như phun hóa chất diệt giòi vào ổ đẻ của ruồi, diệt ruồi bằng hóa chất có hiệu quả rất nhanh, được áp dụng khi có dịch tả, kiết lỵ… nhưng cần hạn chế sử dụng vì ruồi có thể kháng hóa chất rất nhanh và làm ảnh hưởng đến môi trường.
Giải pháp dân gian:
Ruồi có đặc tính là mắt kép phản xạ nhanh với ánh sáng phản chiếu bởi loại gương cầu, cho nên trong dân gian thường áp dụng là cho nước sạch vào túi nylon, treo trong nhà, ruồi bay qua bay lại gặp phải ánh sáng phản quang từ các túi nylon đựng nước, ruồi sợ và bay xa; đây là biện pháp các quán hàng ăn uống thường sử dụng rất có hiệu quả. Hoặc có thể dùng quạt xua đuổi ruồi, thả
rèm cửa sổ,
màn cửa chính, làm giảm ánh sáng trong nhà, ruồi không thích bóng tối nên khi trong nhà thiếu ánh sáng ruồi cũng ít bay vào nhà, hay dùng dầu xanh ruồi cũng bay đi.