Thầy Nguyễn Phước Sơn, Trưởng khoa Công nghệ may&Thiết kế thời trang -Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cho biết: “Hiện nay, nhiều Cty may như Cty dệt may Thành Công, Cty Upgain… đặt hàng từ trường hàng trăm đến hàng nghìn CN, kỹ thuật viên. Nhưng chúng tôi không đáp ứng được”. Có DN sẵn sàng uỷ thác cho trường tuyển dụng và đào tạo ngắn hạn CN với mức phí đào tạo 450.000 đồng/người, CN học nghề xong có việc làm ngay và không phải mất chi phí. Nhưng số lượng tuyển được chỉ như “muối bỏ bể”.
LĐ có kỹ thuật ở những vị trí quản lý dây chuyền (chuyền trưởng), quản lý các tổ sản xuất còn khó kiếm hơn. Ơ nhiều DN may, vị trí chuyền trưởng được đôn lên từ CN có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Do khát nguồn LĐ, nên các DN thường “phá giá” về mức lương để thu hút LĐ kỹ thuật, khiến cung – cầu LĐ ngành may mặc luôn có “biến động ảo”.
Nhưng cầu cao không đồng nghĩa với sự dễ dãi trong tuyển dụng. DN chấp nhận bỏ chi phí đào tạo CN và chỉ chấp nhận những người đáp ứng được công việc. Hơn nữa, khi thị trường LĐ có sự tham gia của các DN nước ngoài, yêu cầu tiếp tục được nâng cao hơn tương xứng với thu nhập NLĐ được hưởng.
Đối với các DN may mặc nước ngoài, chỉ kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Họ đòi hỏi LĐ từ vị trí chuyền trưởng trở lên phải được đào tạo bài bản và quan trọng phải biết ngoại ngữ. SV đào tạo đúng chuyên ngành may, biết sử dụng tin học văn phòng, biết ngoại ngữ để đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành may được DN nước ngoài tìm về tận trường “rước đi” với mức lương khởi điểm lên đến 300 – 400USD.
Nhiều trường dạy nghề có chuyên ngành may mặc đang hướng đến quy trình đào tạo “cầm tay chỉ việc”. Nghĩa là, ngoài việc học lý thuyết phải trải qua những bài học thực hành trong xưởng may của trường như trong các DN. Như tại Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, 40% thời gian học dành cho lý thuyết và 60% thực hành. HS, SV được gửi xuống các DN may mặc, mỗi nhóm không quá 5 người để tương tác với môi trường làm việc thực tế.
Tags: