Con gái được cho một cái quần jean đẹp lắm, nhưng hơi dài. Mẹ bảo: “Con lên lai một chút đi là mặc vừa”. Con gái hỏi mẹ làm sao lên lai. Bài học may vá bắt đầu như thể một sự tình cờ thôi, nhưng mẹ đã chờ cái cơ hội “lên lai quần” này từ lâu lắm.
Cái bàn máy may của nhà mình “cơ học” hơn nhiều so với máy tính của con. Mẹ nhìn con tập đạp chân máy, tay đẩy qua đẩy lại miếng vải vụn may thử, chăm chút xỏ kim, đánh suốt, gắn thuyền, rồi quan sát cách từng sợi chỉ trên dưới móc vào nhau, thắt lại. Tóc dài vén qua một bên, dáng con ngồi bàn máy may làm mẹ rưng rưng trong lòng. Con đạp được một đường may dài, thẳng thớm, đứng dậy cười rất khoái chí, khoe mẹ. Rồi bỗng chợt như nhớ ra chuyện gì đó, con chạy lên phòng tìm cái quần đồng phục học sinh của thằng em trai, đã bị sút một đường chỉ dài, đem xuống hì hục ngồi đạp lại. Thằng em đi học về tròn mắt: “Chị Hai giỏi quá ta, chị Hai biết may rồi hả?”. Mẹ khen con sáng ý, học rất mau. Hồi nhỏ, mẹ chỉ có cái kim tay, đường may không được đẹp như bây giờ con may máy. Mà hồi mẹ bằng tuổi con, cũng chưa may vá cho ai được gì.
Bài học may vá của mẹ con ta bắt đầu từ một sự tình cờ, nhưng thực tình mẹ đã chờ cơ hội đó từ lâu lắm.
Con hỏi lai lịch cái bàn may? Đó là quà tặng của ông ngoại, sau một lần ba mẹ suýt ly hôn. Ông bảo đàn bà may vá có nhiều cái lợi. Quần áo của mình, của chồng con, cái
rèm cửa trong nhà, cái áo gối… – cái gì cũng cần đến cây kim sợi chỉ. Ra khỏi giỏ đồ may, những miếng vải vô tri trở nên có linh hồn. Chăm sóc nhà cửa, giữ tổ ấm gia đình cũng là từ đó.
Bài học may không thể dạy một cách nhanh chóng, gấp gáp. Con cứ từ từ học. Rồi con sẽ biết rằng may một cái mới không khó bằng sửa một cái cũ, vì muốn sửa phải tháo ra và may lại từ đầu. Rồi con sẽ học được rằng đặt một miếng vải lên, muốn cắt một đường phải đo lui vẽ tới mấy lần, vì đã cắt là đứt. Rồi con sẽ học được rằng những đường may, những sợi chỉ dạy cho mình tính kiên nhẫn, sự tự kiềm chế bản thân. Rồi con sẽ học được rằng sức mạnh của người phụ nữ là những đường chỉ may ấy, nhỏ bé, lặng lẽ, nhưng những mảnh đời khác nhau nhờ nó mà được gắn kết một cách vững chắc, hài hòa. Cũng có thể, mẹ mong ước xa hơn: con sẽ biết vẻ đẹp của những đường may ngay ngắn, của áo quần thẳng thớm, đúng mực, vừa vặn. Con sẽ biết chăm lo cho quần áo của mình, cũng là cho vẻ đẹp của con, vẻ đẹp của cô con gái có bàn tay vén khéo.
Thợ may mới nên chưa rành, phải tháo vô tháo ra nhiều lần. Cái lai quần jean mẹ nói để đó mẹ làm giúp, nhưng con không chịu. Con nói con muốn tự mình làm, để con học vài bữa nữa là có thể tự mình làm được. Ừ con ráng học nhé! Hàng ngàn năm nay, người đàn bà đã dùng cây kim sợi chỉ của mình vá may cho lành lặn những chỗ rách trên áo quần vải vóc hay trong cả những cuộc đời. Dù con trở thành kỹ sư, bác sĩ, trong gia đình con mai này, vẫn cần lắm cái sức mạnh kiên nhẫn của từng mũi chỉ đường kim.